Nguyễn Hữu Thiết - Ai đi ngoài sương gió - Tơ lòng trên phím nhạc kỳ 56





117 Views
Published
Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết chào đời năm 1928. Nhắc đến ông, giới yêu nhạc luôn nhớ đến ca sĩ Ngọc Cẩm, là người bạn đời thường cùng ông song ca những nhạc phẩm ca ngợi tình yêu dân tộc, tình quê hương …
Khoảng đầu thập niên 1950, các rạp chiếu phim tại Sài Gòn thường có chương trình hát phụ diễn, trước khi chính thức bắt đầu chiếu phim, thì có một sự kiện mới lạ, đó là sự xuất hiện của đôi vợ chồng Ngọc Câm- Nguyễn Hữu Thiết.
Đôi uyên ương này cùng song ca những nhạc phẩm ca ngợi tình yêu nước, tình quê hương của những nhạc sĩ thời bấy giờ như “Lời người ra đi”, “Sơn nữ ca” của Trần Hoàn. “Bà mẹ quê”, “Bà mẹ Gio Linh” của Phạm Duy. “Có một đàn chim” của Phan Huỳnh Ðiểu…Và cả những ca khúc trữ tình, thấm đậm phong vị làng quê như “Gạo trắng trăng thanh”, “Trăng rụng xuống cầu” của Hoàng Thi Thơ…
Họ là một cặp đẹp đôi, Nguyễn Hữu Thiết với vóc người cao ráo, sử dụng cây đàn Guitar thùng, ông có giọng hát nồng nàn, ấm áp cùng hòa quyện với giọng ca lảnh lót, nhịp nhàng của Ngọc Cẩm… Họ đã tạo nên một hiện tượng, làm sôi động bầu không khí sinh hoạt văn nghệ của Sài Gòn bấy giờ.           
Tên tuổi cũng như hình ảnh của đôi vợ chồng ông được đăng tải mỗi ngày, trên các báo chí Việt ngữ và cả Pháp ngữ. Họ cũng được các hãng thu thanh mời hợp tác, và tất nhiên tiếng hát của họ đã khiến  các hãng ghi âm kiếm được rất nhiều tiền. Chỉ với 2 ca khúc “Gạo trắng trăng thanh” và  Trăng rụng xuống cầu”, do hãng dĩa Asia phát hành trên khắp Ðông Dương, đã bán được hàng triệu dĩa.
Từ thuở nhỏ, Nguyễn Hữu Thiết đã có năng khiếu ca hát. Ông được một giáo sư âm nhạc người Pháp đào tạo hướng dẫn thêm, nên từ đó ông có một căn bản nhạc lý rất vững vàng.
Khi ông đang học tú tài, thì cuộc "Cách mạng tháng tám" xảy ra. Như bao nhiêu người trai trẻ trong thời loạn, ông nghỉ học và cùng những người bạn kéo nhau vào chiến khu Tuyên Hóa (Quảng Bình) để có thể tiếp tục phục vụ đất nước.
Tại mật khu kháng chiến này, ông gặp lại ca sĩ Ngọc Cẩm, nhỏ hơn ông 3 tuổi, quê ở Phú vang (Huế). Đôi người trẻ đã từng gặp nhau, cảm mến nhau trước đây trong những buổi sinh hoạt tại Huế, nay gặp lại trong cảnh ngộ mới, họ cùng lý tưởng, cùng tài hoa như nhau, nên tình yêu đã ngày càng khắng khít.
Năm 1948, họ kết hôn tại chiến khu. Cuối năm đó, họ tiếp tục theo đoàn quân ra tận những chiến khu xa xôi ở Tuyên Quang, Thái Nguyên để hoạt động. 
Đầu năm 1954, họ quay trở lại Huế. Trở lại với đời sống bình thường ở Huế, Nguyễn Hữu Thiết và Ngọc Cẩm chú tâm trong công việc tập luyện, ngõ hầu tạo nên một phong cách trình diễn mới lạ và độc đáo. Với những ca khúc nồng nàn, thắm đượm tình yêu đôi lứa trong buổi đất nước tang thương vì chiến tranh, loạn lạc… Những lời ca quyện vào nhau, tạo một niềm cảm xúc mới lạ cho khán thính giả bốn phương và họ đã được chào đón một cách nồng nhiệt.
            Tuy được khán thính giả ở Huế mến mộ, nhưng Huế thì quá nhỏ, không đủ chỗ cho đôi song ca thực hiện những chương trình ca nhạc mà họ từng mong mỏi. Thế nên họ quyết định vào Sài Gòn, là nơi quần hào tụ hội... Quả nhiên người dân Sài Gòn đã dành cho họ một mối cảm mến đặc biệt. Giọng ca mới lạ, độc đáo cùng phong cách trình diễn cuốn hút qua các bài hát đầy tình tự dân tộc, đã phả vào nền sinh hoạt văn nghệ của Sài Gòn bấy giờ như một làn gió trong lành, sống động..
Từ khi hai bài “Gạo trắng trăng thanh” và  Trăng rụng xuống cầu” một sớm một chiều trở thành nổi tiếng, họ có được cơ hội thuận tiện để thành lập ban dân ca Hương Giang Nguyễn Hữu Thiết hát ở đài phát thanh, được rất nhiều ca sĩ nổi tiếng như Thái Thanh, Mai Hương, Thanh Thúy, Tuyết Hằng, Thanh Tuyền… hợp tác.
Nguyễn Hữu Thiết còn là một nhạc sĩ sáng tác. Năm 1946, ông sáng tác nhạc phẩm đầu tay "Đợi con về". Sau đó, ông liên tiếp viết thêm những ca khúc rất được yêu mến như “Chàng là ai?”, “Ai đi ngoài sương gió”, “Gởi người tôi yêu”, “Giọt mưa chiều hay nước mắt em?”,  Tìm mãi thương yêu”, “Tình trao xuân nữ”, “Mưa chiều nhớ nhau”… Năm 2002, ông viết nhạc phẩm cuối cùng “Anh nhớ về thăm mẹ”.
Cuộc sống hôn nhân của hai vợ chồng ông, cũng là một ca khúc tuyệt vời trong cuộc đời nghệ sĩ của họ. Đôi uyên ương này cho đến ngày da mồi tóc bạc, vẫn quấn quít bên nhau… Tiếng hát ngọt ngào từ khi còn son trẻ, vẫn được cất lên trên sân khấu, khi ông được dìu lên để ngồi vào chiếc ghế gỗ, thì bà đứng sát cạnh ông, cùng hòa tiếng ca để cống hiến cho giới yêu nhạc những ca khúc một thời được mến mộ.
Cuộc đời ông bà là một chuỗi ngày dài sống viên mãn, tươi đẹp bên nhau, từ khi bắt đầu yêu thương, gắn bó trăm năm cho đến ngày ông về bên kia thế giới.
Năm 2002, ông từ trần trong vòng tay vợ con, hưởng thọ 75 tuổi. Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết ra đi, nhưng đã để lại trong kho tàng âm nhạc việt Nam một số ca khúc đậm đà tình tự quê hương, dân tộc. Những giai điệu này cùng phong cách mới lạ, độc đáo trong lối biểu diễn của vợ chồng ông, sẽ mãi mãi còn là một dấu ấn đậm đà trong ký ức người yêu nhạc.
Category
Phim Đài Loan